Có nhiều sơ đồ mạch điện tử rất hay , nhưng nếu không có mạch in (PCB) thì ..chỉ ngó chứ không thí nghiệm được đúng hay sai . Khi xưa thì tớ toàn vẽ bằng tay. Cách thức như sau :

-- Lấy tờ giấy trắng , đặt con IC lên giấy và đè xuống cho nó lũng lỗ.

-- Lấy viết bút bi mà vẽ lại các lỗ chân IC cho rõ ra .

-- Các con điện trở , con tụ hóa , tụ pi , diode có hai chân , con trans có ba chân v.v... thì không cần ấn lỗ mà chỉ chấm hai vòng tròn nhỏ cách nhau "áng chừng" , hoặc ba vòng tròn nhỏ cho trans .

-- Volume đơn 50k và volume đôi , công tắc thì phải đặt lên giấy mà ấn xuống cho có lỗ rồi tô viết lại cho rõ.

-- Việc tiếp theo là sắp xếp linh kiện điện trở, tụ v.v.. vào kế IC ( cứ sắp đại ngang hay dọc tùy ý ) , dùng viết vẽ đường mạch nối chân IC vào chân linh kiện theo sơ đồ .

-- Đường masse thì vẽ đường lớn ở giáp vòng bên ngoài ...Đường nào bị "nghẹn" thì vẽ hai cái chấm để nối dây riêng bên trên, kêu là jumper.

-- Ối ... cứ vẽ đại ! Bất quá lấy giấy khác vẽ đi vẽ lại vài lần.Ngồi một chỗ chả ích lợi gì . Hãy bắt tay vào làm !! Câu nầy ở nước ngoài hay dùng.

-- Vẽ xong thì cắt cho vuông vắn và đặt  lên mạch đồng . Đặt tự nhiên , không có úp mặt gì cả . Dùng băng keo trong dán ở hai bên cạnh cho đừng xê dịch.

-- Dùng khoan (Mini Drill ) , mũi 0,8mm khoan vào các điểm ( kêu là mối hàn chì , là Pad). Lỗ cho volume , công tắc thì khoan lỗ lớn hơn 1mm hoặc 1,2 mm ( có hẹp thì ngoáy một chút). Không có khoan thì dùng mô tơ cassette , mài cái cốt cho nhọn mà khoan xài đỡ.

-- Khoan xong thì lấy giấy ra . Dùng bút xóa trắng ( nếu đường lớn) , dùng bút ghi CD ( CD Marker, cái nầy hơi dỡ có thể khi ngâm sẽ mất đường mạch in , phải ngâm cho nhanh , tức hóa chất cho nhiều , rồi lắc cho mau) hoặc nước sơn với cây tăm xỉa răng ( rót một chút sơn ra cái nắp sơn, thêm cái bình xịt xăng nhỏ , khi sơn đặc kẹo thì xịt vô tí xíu cho loãng ra. Loãng quá sẽ tèm nhèm) , vẽ lại các đường mạch y như trên giấy đã vẽ . Vẽ bắng cách chấm chấm từ từ , chứ vẽ một cái ào thì ...nó xiêu xẹo tùm lum. Trong khi vẽ thì nín thở ! Có muốn vừa vẽ vừa thở cũng không được. Không biết tại sao vậy ? Chưa kể, khi vẽ thì cái miệng nó méo qua méo lại ???  Kể cũng kỳ lạ !!

-- Vẽ xong đợi khô. Dùng mũi nhọn của kim ( hoặc mũi dao nhỏ nhọn) mà tách mấy chỗ dính lại. Chỗ nào tróc thì tô vẽ lại , kêu là "tút"

--Phơi thêm cho khô và đem ngâm nước rửa mạch. Rửa xong lấy ra rửa lại nước lã cho sạch . Lấy giấy nhám đánh lại sơ sơ cho thật sạch và sáng. Dùng nhựa thông pha xăng cho loãng và dùng cọ phết lên hai mặt . Là xong !

-- Hừm , làm xong thấy xấu quắc !! haha , miễn hay là được. Còn làm bằng công nghệ máy móc tối tân thì một thời gian sau cũng như đồ bỏ . Thằng nào cũng như thằng nấy. Ra ngoài chợ trời sẽ thấy mấy cái bo mạch thứ dữ ...chỉ là ve chai.  Còn mạch vẽ tay , sau vài chục năm sẽ thành đồ cổ ! Kỹ niệm một thời thơ ấu.

Đó là khi xưa , còn bây giờ thì tớ đã học được cách làm mạch in đơn giản trên máy vi tính rồi . Bắt đầu từ khâu vẽ mạch trên máy vi tính ( phần mềm Proteus và Corel Draw) , in ra giấy để ủi hoặc làm bản kẽm gốc để làm mạch theo pp cảm quang hay pp in lụa. Tớ sẽ báo cáo cho các bạn những gì tớ đã học được nhằm giúp cho các bạn nghiệp dư ( không phải sinh viên điện tử, thợ chuyên nghiệp,...) một số "trần ai lai khổ" mà tớ đã vấp phải.

( còn tiếp)