Khi diễn viên hát vào micro, lúc này micro thu được 3 loại âm thanh: Một là tiếng của bản thân người hát; Hai là tiếng phát lại của loa; Ba là tiếng phản xạ của các mặt tường trong phòng. Hai loại sau tạo thành âm thanh hồi nguồn trong hệ thống. Khi âm hồi nguồn này đủ lớn thì trong loa sẽ có tiếng “hú”, phá hoại hoạt động bình thường của hệ thống phát âm.

Trong âm thanh hồi nguồn, chủ yếu là âm thanh do loa phát ra truyền tới micro một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (tức là trực xạ hoặc do phản xạ của tường). Âm thanh hồi nguồn sau khi được máy khuếch âm khuếch đại rồi từ loa phát ra, cứ lặp lại nhiều lần như vậy, tạo ra vòng tuần hoàn xấu, sinh ra dao động tự kích thích, tương tự như sự phản hồi thuận nghịch quá lớn trong bộ khuếch đại gây ra.

Chúng ta biết rằng phải có hai điều kiện sau đây mới gây ra được dao động tự kích trong mạch của bộ khuếch đại. Một là tín hiệu hồi nguồn của một tần số nào đó phải đồng pha với tín hiệu vào; Hai là lượng phản hồi phải đủ lớn. Âm hồi nguồn của hệ thống khuếch âm rất giống hiện tượng này. Song do âm hồi nguồn xảy ra trong phòng,tốc độ lan truyền của âm thanh trong phòng lại chậm hơn rất nhiều so với tốc độ lan truyền của sóng điện từ, cho nên âm hồi nguồn còn có quan hệ kết cấu kiến trúc.Ngược lại, do sự kéo dài của âm hồi nguồn sẽ ảnh hưởng tới sự làm vang tiếng trong phòng, làm cho nó dài hơn, giống như đã tăng thêm một bộ làm vang tiếng nhân tạo. Âm hồi nguồn càng nghiêm trọng, thì phản ứng của loại “cộng hưởng điện” này càng rõ rệt.

Cho nên nguyên nhân căn bản khi không thể mở đủ âm lượng vì gây ra âm hồi nguồn, ở đây có thể dùng “độ khuếch đại của micro” để nói rõ mức độ của âm hồi nguồn. “Độ khuếch đại của micro” là trị số chênh lệch cấp thanh áp (db-đề xi ben) giữa âm thanh thu được từ loa tại các chỗ ngồi nghe trong vũ trường và âm thanh của bản thân người nói mà micro thu được khi đã mở hết cở âm lượng của hệ thống khuếch âm mà vẫn chưa có tiếng hú. Trị số chênh lệch càng nhỏ, chứng tỏ âm lượng của máy khuếch âm có thể mở càng lớn, “độ khuếch đại của micro” cũng càng cao, như vậy sẽ có thể phát huy hết tiềm lực công suất của máy khuếch âm.

Điều cần chú ý là trong hệ thống khuếch âm vẫn còn có âm hồi nguồn, song khác nhau về mức độ. Biện pháp cần dùng chỉ là tìm cách hạn chế và giảm bớt âm hồi nguồn để khỏi sinh tiếng hú, chứ không thể nào triệt khỏi âm hồi nguồn.

Có nhiều biện pháp phòng tránh tiếng hú do âm hồi nguồn sinh ra, nhưng chủ yếu có:

1. Chọn dùng micro có tính định hướng để thu âm thanh từ phía người hát tới (tức là nguồn âm). Cho nên micro có tính định hướng tốt sẽ có lợi cho việc nâng cao độ khuếch đại của micro trong hội trường.

2. Loa (nhóm loa) cần dùng cũng phải có tính định hướng nhất định để giảm âm hồi nguồn cho micro tới mức nhỏ nhất.Chẳng hạn như sau khi dùng cột âm thanh, có thể lợi dụng tính định hướng mạnh của phương thẳng đứng và đặc điểm bức xạ hai chiều nhỏ nhất của nó để bố trí cho hợp lý.

3. Khoảng cách giữa loa và micro, và vị trí tương đối giữa chúng cũng rất quan trọng, hơn nữa còn phải xét tới quan hệ về đặc tính định hướng của chúng, tức là tản ra mặt phẳng bức xạ chủ yếu của chúng. Định hướng của loa chính ở hai bên sân khấu của vũ trường thường phải cao hơn đầu người hát một tí.

4. Người nói và người hát không được cách xa micro quá, để có đủ âm thanh trực tiếp đi vào micro, như vậy có thể giảm thấp hệ số khuếch đại của máy khuếch âm một cách tương ứng, và làm cho trong phòng có đủ độ vang. Người hát ca khúc thường đều nên dùng “micro nói gần”, đồng thời cố ý để micro sát mồm, ngoài việc tăng thêm tình cảm thân thiết ấm áp, còn có thể giảm bớt âm thanh hồi nguồn.

5. Cố gắng giảm bớt số lượng các micro làm việc cùng một lúc, thường thì khi số lượng micro tăng lên,thì phải dùng nút âm lượng để giảm bớt âm lượng một cách tương ứng, hoặc dùng “cửa tạp âm” để tự động “cắt” những micro không cần thiết.

6. Gần chỗ micro phải xử lý hút âm để giảm bớt âm phản xạ tới mặt chính diện của micro.

7. Chọn dùng micro và loa có đặc tính tần số tương đối ổn định. Đặc biệt cần tránh dùng micro và loa mà đường cong hưởng ứng tần số của nó có nhiều trị số đỉnh rõ rệt, vì ở những tần số trị số đỉnh này sẽ có dao động tự kích mà sinh ra tiếng hú, do đó sẽ giảm thấp độ khuếch đại của micro.

8. Cũng như vậy, thời gian làm vang tiếng trong phòng, nếu đặc biệt dài tại những dãi tần nào đó, thì tại những dải tần này cũng sẽ rất dễ sinh ra tiếng hú do tự kích thích, cho nên thời gian làm vang tiếng của các dải tần không được quá chênh lệch.

9. Dùng bộ lọc thông cao và bộ cân bằng trong phòng (Room EQ) nhiều dải tần để làm suy giảm thích đáng những tần số thấp dưới 250Hz, có lợi cho việc đề phòng tiếng hú do tự kích thích. Vì tính định hướng của loa và micro thường tương đối kém đối với tần số thấp,thêm vào đó hệ số hút âm tần số thấp của căn phòng và ghế thính giả tương đối nhỏ,cho nên thời gian làm vang tiếng trong căn phòng sẽ tương đối dài khi ở tần số thấp,những nhân tố này đều dễ tạo ra tiếng hú do tự kích thích ở phạm vi tần số thấp.Kinh nghiệm cho thấy,nhân tố dễ sinh tiếng hú tự kích thích nhất chỉ là một vài tần số nào đó,trị số cụ thể phải xác định theo điều kiện thanh học như kết cấu căn phòng… nên những năm gần đây người ta đã dùng thử “bộ cân bằng thông số” hoặc “bộ cân bằng căn phòng” để hạn chế tiếng hú tự kích thích, và đã thu được hiệu quả tốt. “Bộ cân bằng thông số” thường bao gồm nhiều bộ lọc dải thông có thể lần lượt liên tục điều chỉnh tần số trung tâm (thường là 3 hoặc 5 bộ). Hơn nữa có thể điều chỉnh riêng biệt độ khuếch đại và trị số Q của từng dải tần mà không ảnh hưởng lẫn nhau, khi sử dụng thì đấu nối tiếp vào giữa đài điều chỉnh âm thanh và bộ khuếch đại công suất của hệ thống âm thanh, nếu đấu thêm một bộ nén thì hiệu quả càng cao. Các bước điều chỉnh thử như sau : Thử đặt micro sắp sử dụng vào những vị trí cần đặt,thường là vị trí của người chủ trì cuộc họp hoặc trong phạm vi mà người hát có ý định đi lại trong khi hát. Độ khuếch đại của cả hệ thống được điều chỉnh dần từ nhỏ đến lớn,cho tới trị số giới hạn mà hệ thống sẽ phát ra tiếng sôi réo tự kích thích,thì bắt đầu từ từ điều chỉnh một tần số trung tâm của bộ cân bằng thông số, đồng thời làm cho nó suy giảm, sau khi tìm được điểm tần số có thể khử hoặc giảm yếu sự tự kích thích thì lại điều chỉnh thật chính xác trị số Q và độ khuếch đại của nó, để thu được hiệu quả tối ưu, rồi điều chỉnh thử những điểm tần số khác cũng theo các bước như vậy, để hạn chế các nhân tố có thể sinh ra tiếng hú do tự kích thích.

10. Khi sử dụng nhiều nhóm loa, khi nghiên cứu phân phối công suất cho từng nhóm thì phải chia nhỏ nhóm loa gần micro, nếu không thì sau khi sinh ra tiếng hú thì sẽ ảnh hưởng tới việc phát huy công suất của các nhóm loa khác.

11. Đối với căn phòng có thời gian làm vang tiếng tương đối dài, thì phải tăng cường việc xử lý hút âm trong phòng để giảm bớt sự cộng hưởng, điều này cũng có lợi cho việc làm giảm bớt âm thanh hồi nguồn.

12. Lợi dụng một số thiết bị đặc biệt để nâng cao độ khuếch đại của micro.Chẳng hạn như bộ dịch chuyển tần số chính là một loại lợi dụng mạch điện tử làm dịch chuyển tần số của âm thanh phát lại,làm cho âm thanh hồi nguồn và âm thanh do nguồn âm thanh phát ra không “trùng hợp” nhau nữa. Bằng cách này có thể nâng cao độ khuếch đại micro lên khoảng 3~6dB, làm cho công suất có thể tăng lên nhiều lần,hiệu quả của cách cải tiến này rất khả quan. Song bộ dịch chuyển tần số sẽ sinh ra độ méo tần số thấp, cho nên chỉ phù hợp cho việc khuếch đại tiếng nói, còn Disco Club (ca vũ trường) thường không dùng. Một thiết bị phức tạp hơn song hiệu quả tốt hơn, đó là bộ điều chỉnh pha,tức là sẽ thay đổi đôi chút vị trí pha của âm thanh phát lại.Một loại khác nữa là dùng thiết bị lọc dãi hẹp,làm suy giảm tần số (dải tần số) trong những tín hiệu hồi nguồn trong phòng gây ra tiếng hú nghiêm trọng nhất để nâng cao độ khuếch đại micro của toàn bộ hệ thống.Do những biện pháp trên đều chỉ làm cho mức hưởng ứng tần số thay đổi trong phạm vi rất nhỏ, nên tai người khó nhận ra, còn đối với việc mở rộng âm lượng thì hiệu quả thật rõ rệt.

Ngoài ra cũng cần nhấn mạnh là dù tính năng khuếch âm của hội trường đã thiết kế tốt, song nếu thao tác không cẩn thận cũng sẽ sinh ra tiếng hú. Nên khi điều chỉnh âm lượng phải từ từ, mức điều chỉnh không được tăng cao đột ngột, mà phải tăng lên từ từ, đồng thời phải nghe kiểm tra cẩn thận và phán đoán xem đã sắp tới trạng thái giới hạn sinh ra tiếng hú chưa, đồng thời đánh dấu vào vị trí bảng chia độ tại chỗ điểm giới hạn, tiện cho công việc. Đương nhiên điểm giới hạn này cũng có sự thay đổi theo những biến đổi của các loại điều kiện. Những điều kiện này gồm : thay đổi về số lượng người xem; thay đổi về điện áp cung cấp; thay đổi về số lượng sử dụng micro, vị trí, góc độ. Đây là những điều mà người thao tác cũng phải đặc biệt chú ý.

Muốn sớm phát hiện trạng thái giới hạn hú, thì nên mở lớn loa nghe kiểm tra một chút, tiện cho việc xác định sớm.

Trong những biện pháp đề phòng tiếng hú của âm thanh hồi nguồn, thì việc xử lý đúng vị trí của loa và Micro là một biện pháp rất quan trọng, sau đây sẽ nói rõ thêm vấn đề này.

Muốn giảm bớt âm thanh hồi nguồn, thì loa phải ở cách xa micro, nhưng nguyên tố quan trọng trong việc xác định vị trí loa là làm thế nào để cho khu vực ngồi nghe là khu vực phủ sóng và hiệu quả nghe tối ưu, cho nên loa không thể cách xa micro một cách tuỳ tiện. Đồng thời, cự ly cho phép nhỏ nhất giữa loa và micro còn liên quan tới đặc tính định hướng và bội số khuếch đại của chúng,cho nên cần phải hiểu kỹ mối quan hệ giữa loa và micro.