Sáo trúc là nhạc khí thuộc bộ hơi của người Việt và nhiều Dân tộc khác. Sáo trúc dễ làm, dễ thổi, rất thông dụng được phổ biến rộng rãi trong đời sống hằng ngày.

Sáo trúc được làm bằng ống trúc hoặc ống nứa, nên chọn cây sáo lóng thẳng, làm bằng loại trúc già, một đầu có mấu hoặc được bịt kín. Sáo trúc có 1 lỗ thổi hình bầu dục ở phía đầu ống, thẳng hàng với lỗ thổi có 6 lỗ bấm (lỗ cao độ). Phía gần cuối ống sáo có 1 hay 2 lỗ hình tròn có tác dụng thoát hơi hoặc luồn dây tua màu để trang trí. Trong lòng ống sáo, gần lỗ thổi được bịt chặt bởi một mẩu gỗ mềm. Nút chặn (mẩu gỗ) này phải thật khít với lòng ống nhưng lại có thể đẩy lui đẩy tới để điều chỉnh độ cao thấp ở sáo khi cần thiết.

Ống sáo có đường kính lớn, dài thì âm thanh có độ trầm, thấp. Ống sáo có đường kính nhỏ, ngắn thì âm thanh có độ cao, đanh. Cỡ ống to nhỏ, dài ngắn khác nhau đã tạo ra sự khác nhau về cao độ và hình thành các loại sáo như Sáo Ðô : từ Ðô1 đến Ðô3; Sáo Sol thấp : từ Sol đến Sol2; Sáo Sol cao : từ Sol1 đến Sol3 … Có tên gọi như vậy được hiểu là cây sáo đó có nốt thấp nhất (khi bịt kín 6 lỗ cao độ) âm phát ra bằng nốt Đô, nốt Sol …Âm thanh Sáo trúc vui tươi, mượt mà, trong sáng, khỏe, vang xa, có âm vực rộng trên hai quãng tám.

Cách thổi sáo

Cách cầm sáo : Tay trái bấm ba lỗ trên, tay phải bấm ba lỗ dưới, ngón út của hai tay bấm vào thân sáo cùng với hai ngón cái tạo thành điểm tựa giữ cho sáo vững chắc.

Cách đặt môi : Sáo được nằm ngang, đặt lỗ thổi lên môi, cánh tay trái nâng cao về phía trước, cánh tay phải nâng ngang, hai khuỷu tay không khép vào nách.

Tư thế thổi sáo

- Tư thế đứng : Đứng thẳng, hai bàn chân cách nhau khoảng 15 – 20 cm, hai chân thẳng đều, mắt nhìn thẳng về phía trước

- Tư thế ngồi : Lưng thẳng, hai chân không vắt chéo.

Kỹ thuật thổi sáo

Sáo trúc có các kỹ thuật như lấy hơi, rung hơi, đánh lưỡi, vuốt hơi, nhấn hơi… các kỹ thuật bấm như ngón vuốt, ngón lướt, ngón láy… Sáo trúc có khả năng diễn tấu nhanh, linh hoạt.

- Lấy hơi : Đây là kỹ thuật đầu tiên, rất quan trọng. Biết cách lấy hơi thì hơi khoẻ, thổi được dài, thổi sáo không mệt. Cách lấy hơi này được gọi là lấy hơi bụng.

- Vuốt hơi : là thổi hơi làm cho âm thanh nào đó cao dần lên hay thấp dần xuống, đưa ngón tay lần lượt mở từ một nốt thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp sẽ tạo cho người nghe một âm thanh mềm mại, lả lướt.

- Láy : còn gọi là luyến hơi tức là thổi một hơi liền trong khi ngón tay bấm nhiều lỗ, có tác dụng làm cho nét nhạc mềm mại, nối liền nhau, không bị ngắt quãng. Láy tức là thổi phớt qua thật nhanh một âm phụ.

- Láy rền: Láy rền là cách sử dụng ngón tay đập trên lỗ sáo nhiều lần và thật nhanh.

- Rung : có nghĩa là thổi hơi từ trong cuống họng đưa ra từ mạnh đến nhẹ và từ nhẹ đến mạnh, liên tục để cho âm thanh nghe như gợn sóng và thoang thoảng.

- Ðánh lưỡi : tức là dùng đầu lưỡi đóng mở để luồng hơi bị đứt đoạn khi ta dùng đầu lưỡi đánh thật nhẹ vào khe hở giữa hai môi (không nên dùng sức của toàn lưỡi).

+ Ðánh lưỡi đơn : nhờ đầu lưỡi chận hơi gần lỗ thổi để tiếng Sáo dễ kêu tròn, khi đọc ta có những tiếng tương tự như (t) ví dụ : đồ = tồ

+ Ðánh lưỡi kép : dùng đầu lưỡi và đuôi lưỡi. Ðầu lưỡi là chỗ đập vào răng khi nói tiếng "tô" hay "tê" Ðuôi lưỡi là chỗ chạm vào hàm trên khi ta nói "cô" hay "ka" Khi nói "tô cô" hay "tê ka" cần nói thật nhanh và ngắt ngay.

Sưu tầm